[Hướng nghiệp] Cánh cổng trường đóng lại, điều gì sẽ chờ đón chúng ta kế tiếp?

        Mỗi năm, khoảng thời gian đầu tháng 4 sẽ là một trong những mốc thời gian đáng nhớ đối với các bạn học sinh cuối cấp THPT (lớp 12). Các bạn sẽ nộp hồ sơ thi vào các trường đại học / cao đẳng / trung cấp chuyên nghiệp (nói ngắn gọn là các trường Đại học), các bạn chuẩn bị rời xa mái trường thân yêu mà mình đã gắn bó và chọn lựa cho mình một lối đi mới, một lối đi rất khác biệt so với những gì mà bạn đã trải qua trong suốt 12 năm của cuộc đời học sinh. Đây có thể nói là một trong những bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi người.

       Các bạn có biết điều gì sẽ chờ các bạn ở phía trước không? Và các bạn đã chuẩn bị kế hoạch gì cho bản thân chưa nhỉ?

Các bạn hiện đang ở vị trí nào nhỉ?

        Có bao giờ các bạn đã tự hỏi bản thân mình như thế, và băn khoăn rằng phía trước chúng ta là những gì nhỉ? Cho dù bạn đã từng băn khoăn như thế hàng trăm lần, hoặc có thể bạn vẫn đang là một cô/cậu học sinh vô tư không lo nghĩ, thì tin mình đi, các bạn sắp sửa đối mặt với một trong những bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Thầy cô hoặc bố mẹ có đang nhắc cho bạn nhận thức về điều đó không?

         Cho dù các bạn là học sinh giỏi hay trung bình, các bạn có yêu thích học tập hay không, các bạn có là thành phần nghịch ngợm hay bị ghi vào sổ đầu bài hay là các thanh niên gương mẫu thường được tuyên dương trước cờ, các bạn đã trải qua hàng tá mối tình học sinh hay vẫn chưa một lần trải nghiệm, dù là bất cứ thể loại học sinh gì, có ghét việc phải học bài mỗi ngày hay không thì các bạn (những học sinh THPT, đặc biệt là lớp 12) vẫn đang được ở trong khoảng thời gian mà người ta vẫn hay nói là đẹp nhất và đáng nhớ nhất của mỗi con người: thời học sinh.

      Cho dù bạn đang cảm thấy việc phải học bài mỗi ngày thật cực nhọc và chán ghét, thì hãy bình tâm lại, thử nghĩ xem, có phải các bạn đang được làm một trong những việc “nhẹ nhàng nhất quả đất” này phải không? Nhiệm vụ duy nhất của các bạn là học bài, gần như “toàn bộ” các việc còn lại, đều đang có người khác làm cho bạn rồi. Thử nghĩ xem bạn có phải lo lắng kiếm tiền để đóng học phí không? Bạn có phải mất công đi chợ mỗi ngày, rồi lại phải nhọc công nấu ăn ngày 3 bữa không? Bạn có đang phải lo lắng về việc kiếm tiền ở đâu để may quần áo đi học, rồi tiền mua xe đạp, tiền đi chơi, đi đá bóng, …. Nếu bạn vẫn đang càu nhàu bố mẹ chỉ vì bị bắt phải lau nhà mỗi ngày, rồi khó chịu khi bị nhắc nhở đi học bài, hay phát bực khi bị bắt ở nhà nấu cơm trong khi bạn bè được đi chơi lêu lổng, thì hãy xem lại đi nhé. Ngoài việc học thì bạn đâu phải làm gì nhiều phải không nào?

        Công việc và trách nhiệm duy nhất hiện tại của bạn chỉ là: Học, và học, và …. hết rồi.

        Người ta vẫn nói rằng tuổi học trò là tuổi đẹp nhất là bởi vậy, bạn không cần phải suy nghĩ gì nhiều ngoài việc học, bạn có hàng đống thời gian để vui chơi, hầu như không có trách nhiệm hay áp lực gì khác ngoài việc học. Mình muốn các bạn nhận thức được điều đó, và hãy tận hưởng quãng thời gian tươi đẹp khi vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Hãy cứ vui tươi, học hành và chơi đùa thoải mái như đúng lứa tuổi của bạn đi, nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò, nghịch một tí cũng được, không sao đâu, đừng quá đáng là được. Nhưng hãy để ý một điều: Những điều đó không còn kéo dài lâu nữa đâu.

Vậy thì điều gì chờ chúng ta ở phía trước?

        Khoảng thời gian sắp tới đây, những câu hỏi bạn sẽ được hỏi nhiều nhất đó là: Cháu có định thi đại học không? Cháu thi trường nào vậy? Cháu định học ngành gì? …. Chuỗi câu hỏi này vẫn không kết thúc sau khi bạn tốt nghiệp THPT, người ta sẽ tiếp tục hỏi những câu như: Cháu đang học trường ĐH nào vậy? Cháu sắp tốt nghiệp chưa? Thậm chí nếu bạn không thi đậu đại học thì người ta cũng sẽ tiếp tục hỏi xem bạn có ý định thi lại hay không? Có ý định đi học nghề hay không? Xa hơn, lúc tốt nghiệp ĐH rồi người ta lại tiếp tục hỏi xem đã có việc làm chưa? Đang đi làm ở đâu rồi? Lương bổng khá không? …. Bản thân mình là một người đã “bị hỏi” tất cả những câu hỏi đó,  và gần như tất cả những người bạn của mình của bị hỏi những câu tương tự. Thậm chí nếu bạn không học tiếp đại học mà đi làm luôn thì sẽ được hỏi những câu này sớm hơn nữa. Nếu bạn để ý, thì khi đi tới tận cùng, các câu hỏi đều quy về một mối: VIỆC LÀM.

        Chung quy lại, thì con người ta chỉ có 3 giai đoạn lớn của cuộc đời: đi học, đi làm, và nghỉ hưu. Tất nhiên là khi đi làm rồi thì bạn vẫn luôn phải tiếp tục học nữa, điểm khác biệt là sẽ chẳng còn ông thầy nào sẽ dạy cho bạn nữa mà sẽ tập trung vào việc tự học. Các bạn cần phải ý thức được rằng, trong tương lai chúng ta cần phải lao động, cần phải làm việc, để tạo ra các của cải tích luỹ phục vụ nhu cầu của bản thân, nói đơn giản là: bạn sẽ phải đi làm để kiếm tiền xài đó mà. Các bạn rồi sẽ cần tiền để đi chơi, để mua sắm, để xây nhà, để cưới vợ, ..v..v.v. chính các nhu cầu đó buộc bạn phải lao động để kiếm tiền nhằm hiện thực hoá các  nhu cầu của bản thân. Khi các bạn còn nhỏ, chưa có đủ khả năng lao động thì bố mẹ sẽ là người trợ cấp cho các bạn, rồi các bạn cũng sẽ lớn lên, khi đó các bạn phải tự lo cho chính mình, tự có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Các bạn làm việc tốt, các bạn sẽ kiếm được nhiều tiền và có một cuộc sống thoải mái, ngược lại, ai lười lao động suốt ngày chỉ đi chơi thì sẽ không có tiền và lúc nào cũng cảm thấy túng thiếu. Chắc có lẽ các bạn cũng hình dung được điều đó phải không nào!!

Nếu thế thì chúng ta nên làm gì?

        Việc đi làm còn được nói theo một cách khác đó là: gia nhập thị trường việc làm. Đã là thị trường, thì nó sẽ có các quy luật chi phối, mà điển hình là quy luật cung-cầu. Mình sẽ không nói quá chi tiết trong bài này, mình sẽ dần dần đề cập tới nó ở các bài viết sau.

        Nếu như chúng ta đều phải gia nhập thì trường việc làm sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), thì chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về thị trường đó để có thể làm việc và hoà nhập tốt. Tới đây sẽ có người thắc mắc: Việc học tiếp các bậc học cao hơn (như là Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp) được coi là đi học hay đi làm? Việc học tiếp thực sự có ích lợi gì không hay chỉ làm người ta phí thêm vài năm trời?

        Ai cũng biết rằng, để làm được 1 việc gì đó thì bạn cần phải có kĩ năng về lĩnh vực đó: bạn muốn bán hoa thì bạn phải có kĩ năng cắm hoa đẹp, bạn muốn bán phở thì bạn phải có kĩ năng nêm nếm gia vị tốt, bạn muốn làm bác sĩ thì bạn phải có kĩ năng nhận biết các loại bệnh và các loại thuốc, bạn muốn làm nhà thiết kế thời trang thì bạn phải có kĩ năng chọn các loại vải và phối hợp màu sắc, ..v..v.v. Có những kĩ năng mà bạn không nhất thiết phải đến trường đại học để học, nhưng có những việc không có nơi nào có thể dạy tốt hơn ở trường đại học. Ví dụ như: bạn muốn làm tài xế lái xe, thì bạn không cần phải đi học đại học làm gì, mà chỉ cần học ở bất kì chỗ nào dạy lái xe, nhưng nếu bạn muốn trở thành bác sĩ, thì tốt nhất là nên đi học đại học, vì đó là nơi tốt nhất để bạn có được kĩ năng nhận biết các loại bệnh. Tuỳ thuộc vào công việc mà bạn muốn làm, say này bạn muốn trở thành người như thế nào mà bạn sẽ có con đường đi cho riêng bạn, tiếp tục theo học đại học hay không là tuỳ thuộc vào nhu cầu của các bạn.

        Có người nói rằng: tôi không cần học đại học vẫn có thể thành công, lại có người nói: chúng ta nên theo học tiếp đại học để có được việc làm tốt. Ai đúng nhỉ? Câu trả lời là ai cũng đúng cả. Tuỳ thuộc vào lựa chọn nghề nghiệp của họ, tuỳ thuộc vào lĩnh vực mà họ làm mà bằng đại học sẽ cần thiết hoặc là không, điều cốt lõi là bạn thực sự phải hiểu mình muốn điều gì, và cần làm gì để đạt được ý nguyện đó. Nếu các bạn chưa biết mình thực sự muốn gì, các bạn có thể tham khảo ý kiến người lớn, những người đã có kinh nghiệm để có thể có cái nhìn bao quát hơn, mình đã có bài viết về việc “tìm ra sở thích” ở ĐÂY, các bạn cũng nên đọc qua.

} — * — {

        Nếu như có một lời khuyên, thì mình khuyên các bạn nên theo đuổi tiếp chương trình đại học (sẽ có bài viết riêng về vấn đề này), và dành thời gian để tìm hiểu về sở thích bản thân ngay khi các bạn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

        Tương lai của các bạn là do các bạn quyết định, sẽ chẳng có ông thần ông thánh nào giúp bạn thực hiện nếu như bạn không chịu cố gắng. Để giúp mọi người có được những định hướng tốt hơn, mọi người cần có bản kế hoạch chi tiết, mình sẽ chia sẻ về cách xây dựng bản kế hoạch ở những bài tiếp theo, việc này đơn giản và không phức tạp như bạn nghĩ đâu. Nếu có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, các bạn có thể gửi email hoặc nhắn tin facebook cho mình ở địa chỉ NÀY, hoặc comment ở phía dưới, mình sẽ cố gắng giúp các bạn giải đáp những thắc mắc trong quá trình định hướng tương lai.

        Cảm ơn mọi người.

Vcttai.

4 thoughts on “[Hướng nghiệp] Cánh cổng trường đóng lại, điều gì sẽ chờ đón chúng ta kế tiếp?

  1. Pingback: [Hướng nghiệp] Tại sao nên tiếp tục học? Đại học có ý nghĩa như thế nào với bạn? – Webbynat

  2. Pingback: [Mừng 5000 views đầu tiên] Những bài viết đáng chú ý trong thời gian qua & dự định sắp tới. – Webbynat

  3. Pingback: Chuyện lập trình viên, nước mía và sinh tố. – Những dòng code vui

  4. Pingback: [Giới thiệu sách] Sách hay đầu năm 2017 (P1) – Những dòng code vui

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s