Võ thuật, đại học và con đường sự nghiệp

Những tiểu thuyết võ thuật, hoặc những thứ mà người ta vẫn quen gọi là “phim chưởng” Trung Quốc, có một điểm chung rất quen thuộc với mọi người. Điểm chung của những tiểu thuyết này là chúng sẽ bắt đầu với một vị anh hùng, người này sẽ có một cuộc hành trình đi tìm kiếm một thứ gì đó tối thượng. Đó có thể là một bí kí võ thuật hay một loại công phu đặc biệt nào đó được truyền lại bởi một cao nhân đắc đạo, giúp anh ta trở thành cao thủ, đủ sức đánh bại mọi kẻ thù.

Có thể tóm tắt ngắn gọn lại cuộc hành trình đó như sau: khởi đầu, bao giờ vị anh hùng cũng cảm thấy hoang mang, lòng đầy do dự vì con đường phía trước không rõ ràng và đầy chướng ngại. Anh ta có thể vẫn biết mục tiêu của mình (là trở thành võ lâm cao thủ), nhưng cuộc sống mà, bao giờ cũng có nhiều kẻ thù và chướng ngại cản trở anh, làm anh bao phen nản lòng. Nhưng nhờ có quyết tâm mạnh mẽ, dũng cảm, lòng kiên định và nhiều nỗ lực, cuối cùng anh ta cũng đánh bại mọi kẻ thù, vượt qua mọi khó khăn để đạt được mục tiêu của mình cách mĩ mãn.

Một số tiểu thuyết có một vị anh hùng, số khác lại có rất nhiều người khác nhau cùng tranh đua để đạt tới mục đích tối thượng là trở thành cao thủ . Nhiều người cùng cố gắng là vậy, nhưng tới cuối cùng cũng chỉ còn lại 1 hoặc 1 vài người đến đích, số còn lại thất bại vì nhiều lí do: xao nhãng, nôn nóng, bất tài, … (hoặc cũng có thể là láo cá quá bị người khác đánh chết). Hầu hết tiểu thuyết đều đề cao vấn đề đạo đức, sự chân thành, chính trực, quả cảm, trung thành … Đại loại là cái thiện thắng cái ác. Ngoài bài học dễ thấy nhất là đừng quá láo cá, chúng ta còn học được gì?

Hình mẫu anh hùng đi tìm bí kíp

Ở một góc nhìn nào đó, hành trình của các vị anh hùng kể trên không khác biệt là mấy so với hành trình đại học hay quá trình xây dựng sự nghiệp cá nhân mà chúng ta vẫn đang theo đuổi. Nhìn ra ngoài có biết bao cao thủ với đủ mọi trường phái, số lượng môn phái nhiều vô kể, chúng ta nên bắt đầu từ đâu, và đi như thế nào?

Là sinh viên, bạn vào đại học để mưu cầu tri thức và phát triển kĩ năng. Những năm đầu, đa phần mọi người sẽ cảm thấy hoang mang, lo sợ vì con đường phía trước mờ mịt, chướng ngại thì nhiều mà bạn thì không biết phải làm gì hoặc đi theo con đường nào. Tất nhiên, bạn có thể vẫn biết mục tiêu lớn của mình là trở thành một lập trình viên giỏi, nhưng học cái gì và học như thế nào thì vẫn còn mơ hồ. Bạn có thể sẽ thắc mắc, học CSDL (Cơ sở dữ liệu) sẽ được gì, học giải thuật bằng C++ trên màn hình console đen thui thì làm sao viết được mấy ứng dụng đẹp đẽ hoàng nhoáng trên web hay mobile, thiên hạ làm app di động ầm ầm mà trường cứ bắt học code con trỏ C++ hoài …

Dẫu cho còn nhiều hoài nghi về thứ mình được học và những trở ngại ngáng đường, lời khuyên cho các bạn lúc này tập trung học tốt các môn học cơ sở được dạy ở trường, thành quả có thể không thấy ngay được nhưng lợi ích chắc chắn là sẽ có, và sẽ lớn nữa. Những kiến thức về OOP, giải thuật, cấu trúc phần mềm … là những kĩ năng vốn dĩ sẽ theo bạn đến suốt đời dù cho công nghệ có thay đổi. Vậy nên học tốt những môn cơ sở là điều rất cần thiết. Học xong các môn cơ sở rồi thì có thể chuyển qua những môn học thiên về công nghệ hơn, kiểu như: lập trình thiết bị di động, cấu trúc web, …

Để có việc làm tốt sau khi tốt nghiệp, bạn nên tranh thủ đi thực tập thêm ở các công ty để học hỏi và có thêm kinh nghiệm. Nếu trường không tổ chức các đợt thực tập, thì hãy cứ mạnh dạn gửi CV đến công ty. Đẹp trai không bằng chai mặt mà, rồi cũng sẽ có nơi nhận bạn thôi. Nếu bạn đã có công việc chính thức rồi, hãy tập trung vào công việc bạn đang làm, thích ứng các kĩ năng để có thể làm được việc người ta giao cho bạn. Sau đó, hãy tìm hiểu những thứ xung quanh công việc đó như: công nghệ hiện tại nếu đào sâu vào thì sẽ có những gì, tại sao người ta lại làm cách này mà không phải cách kia, hỗ trợ cho ngôn ngữ này có những tool nào, framework nào, các tính năng khác của ứng dụng (nếu bạn không được giao cho làm) nếu phải làm thì sẽ làm như thế nào, … Chia thời gian để củng cố kiến thức cơ sở lẫn kinh nghiệm sử dụng các công nghệ. Hãy biết thắc mắc tại sao, nếu khó quá, hãy thử nhờ mọi người giúp đỡ, biết đâu bạn sẽ được hỗ trợ và sẽ đi nhanh hơn.

Những lối tắt

Dù đang ở trên giảng đường đại học, hay đang trên con đường phát triển sự nghiệp, hãy luôn nhớ một điều là:

Trong các tiểu thuyết võ thuật, những câu chuyện về những người đi tìm “lối tắt” hoặc “gian lận” để có được công phu tối thượng, thường sẽ có kết thúc chẳng mấy tốt đẹp.

Điều quan trọng không phải là bạn đi với tốc độ nhanh, mà là bạn luôn ý thức cải thiện bản thân mình không ngừng. Đừng cố gắng gian lận ở trường, trong thi cử hay khi làm project cho môn học, hãy học thật và làm thật, chủ động làm các bài tập nhóm ở lớp sẽ là một điểm cộng lớn cho kĩ năng và tương lai của bạn. Hãy học thật tốt những môn cơ sở như: Cấu trức dữ liệu và giải thuật, lập trình hướng đối tượng, Cơ sở dữ liệu, kĩ thuật lập trình, … Nền tảng tốt giúp bạn tiếp cận các công nghệ mới sau này rất nhanh và hiệu quả.

Ngoài kĩ năng lập trình, hãy chú ý cải thiện: khả năng phân tích và đánh giá vấn đề, nhận thức đúng sai về bản chất sự việc, tư duy phản biện và đặt câu hỏi, … Những kĩ năng này sẽ giúp bạn tiến bộ trong công việc sau này nhanh hơn, khi mà bạn biết đặt câu hỏi tại sao phải dùng khái niệm này mà không phải khái niệm kia, công nghệ này ưu và nhược điểm gì so với những thứ còn lại … Bạn sẽ tiếp thu công nghệ mới hiệu quả hơn, từ đó mà tiến bộ hơn trong công việc.

Đừng dành quá nhiều thời gian học một framework như React hay Angular khi mà bạn còn chưa biết cách Javascript tương tác với UI thông qua HTML DOM, đừng chỉ biết dùng Eloquent ORM để thao tác với DB khi mà bạn còn chưa hiểu cấu trúc mô hình hóa dữ liệu thông qua BEAN và DAO (được dạy trong môn phát triển phần mềm thì phải), đừng nhào vào học lập trình mobile khi mà bạn còn chưa nắm rõ hướng đối tượng OOP … Mình không nói công nghệ mới hay những framework thời thượng là dở, nhưng bạn nắm rõ cốt lõi căn bản trước, sau đó mới tới những công nghệ triển khai sau.

Kết lại

Giống như rất nhiều vị anh hùng trong tiểu thuyết võ hiệp, chẳng ai đạt tới cảnh giới cao mà lại không luyện trước nội công cho cao cường cả. Còn đi học, hãy nắm vững những thứ căn bản trước, sau đó mới tìm hiểu công nghệ, đó nên là con đường mà bạn nên bước đi. Con đường này có thể hơi mất thời gian, và thoạt trông thì nhiều khó khăn, nhưng với sự kiên trì, nỗ lực, và sự quyết tâm mạnh mẽ, rồi cũng sẽ có ngày bạn đạt được mục tiêu của mình.

Đã đi làm, hãy cân bằng thời gian dành cho những kiến thức nền tảng và những công nghệ tiên tiến. Thiếu kiến thức nền tảng, bạn không thể đi xa, nhưng thiếu công nghệ, thì bạn lại ít có khả năng làm được việc. Đừng vội bỏ cuộc khi thấy mình thua kém người khác quá xa, hoặc cảm thấy lo lắng khi có quá nhiều thứ phải học. Nếu không thể cải thiện thật nhanh, thì hãy cứ đi từ từ từng bước, miễn là đừng dừng lại. Trở thành lập trình viên giỏi là cả một con đường dài, thậm chí rất dài.

One thought on “Võ thuật, đại học và con đường sự nghiệp

  1. Pingback: Chia sẻ chủ đề “Hành Trang Nghề Nghiệp” với sinh viên KHTN – Những dòng code vui

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s