Đây là một chủ đề mà có lẽ dù đã được bàn tới bàn lui rất nhiều lần rồi nhưng chưa bao giờ nó thôi không còn sức nóng. Dạo qua một vòng các diễn đàn IT, có rất nhiều các topic về hỏi thăm tình hình công ty này công ty nọ, thậm chí còn có những trang web chuyên chỉ để đánh giá công ty ví dụ như tamsudev.com, chuyencuadev.com, hoặc những chuyên mục nhận xét của itviec, vietnamworks, … Bàn luận sôi nổi là vậy, nói vòng vo một lúc rồi thì cũng chỉ chốt lại về tiền (lương). Nhưng liệu như vậy đã đủ dữ liệu để kết luận chuyện tốt xấu của một công ty.
Nói về độ chính xác của 1 kết luận, chúng ta chỉ có thể kiểm chứng được nó đúng hay sai nếu như có một “cột mốc” nào đó để so sánh, và nhất định là cột mốc này phải cân-đo-đong-đếm được bằng số liệu cụ thể, hoặc chí ít cũng là một con số ước lượng được thay vì chỉ là những nhận xét cảm tính. Mặc dù với những người khác nhau thường sẽ có những tiêu chí khác nhau, nhưng đối với mình, một công ty tốt là một công ty sẽ thỏa mãn được những tiêu chí sau đây:
Thứ nhất – trả lương xứng đáng
Đầu tiên có lẽ vẫn phải là “tiền đâu”. Ông bà ta từ xưa đã có câu: có thực mới vực được đạo. Thù lao mà nhân viên nhận được khi đi làm mà không đủ lo cho những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của họ, thì chắc chắc rằng nhân viên đó sẽ không thể công nhận môi trường họ đang làm việc là tốt được.
Đồng ý rằng, áp lực tài chính đè lên vai công ty là không nhỏ, là nhân viên cũng rất cần hiểu điều đó, nhưng sự thông cảm thì cũng chỉ tới đó thôi. Công ty luôn có những áp lực và khó khăn nhất định, và mỗi nhân viên cũng vậy. Công ty cũng chẳng thể trách được nhân viên trong tình huống này, nhân viên cũng có những mối lo riêng của họ.
Mình vẫn nhớ, trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, có đoạn:
Vợ tôi không ác nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?
Ông giáo nói về vợ – Trích truyện ngắn Lão Hạc
Nhân viên làm sao có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho công ty trong khi còn mải lo nghĩ về chuyện không đủ tiền mua sữa cho con. Là dev, họ cần có tiền để trang trải cuộc sống gia đình, để theo đuổi đam mê của bản thân. Họ cần được trả công tương xứng với năng lực và cống hiến, công ty tốt là công ty biết nghĩ tới nhân viên ở điểm này.
Thứ hai – có văn hóa tốt
Thật sự mà nói thì rất khó để đánh giá được thế nào là “văn hóa” tốt hay xấu. Nhưng chúng ta sẽ thử đơn giản hóa khái niệm “văn hóa” thành những hoạt động hằng ngày trong công việc để dễ dàng định lượng hơn. Khi đó, có hai vấn đề cốt lõi chúng ta cần quan tâm: môi trường làm việc và giá trị cốt lõi mà công ty theo đuổi.
Môi trường làm việc là thứ mà bạn sẽ tiếp xúc và ở trong đó hằng ngày, nó bao gồm những việc như: mọi người có hòa đồng với nhau không, có sẵn sàng trợ giúp nhau không, sếp có rõ ràng minh bạch không hay thường xuyên “đì” nhân viên, việc giao task và xử lí vấn đề có được thảo luận công bằng và mình bạch không, hay công ty thường đưa ra estimate thấp để ép nhân viên OT, công ty có đón nhận những cải tiến và góp ý của nhân viên không, có tôn trọng cá tính riêng mỗi người không, …
Giá trị cốt lõi là điều mà công ty luôn hướng tới, đó là sứ mệnh và mục tiêu mà nhờ đó công ty được tạo nên. Ví dụ như facebook được tạo ra với sứ mệnh kết nói mọi người, còn Cybozu được tạo ra với sứ mệnh cải thiện teamwork trên toàn thế giới, … Nghe thì có vẻ cao siêu, nhưng chẳng lẽ chúng ta lại chỉ đi làm cho một công ty với sứ mệnh khiêm tốn: cung cấp outsource với giá thấp nhất cho khách hàng. Con đường và mục tiêu mà công ty theo đuổi cũng sẽ định hình phần nào đó sự phát triển của mỗi nhân viên.
Chọn lựa công ty với văn hóa như thế nào là quyền của mỗi người, không có đúng hoặc sai hoàn toàn, đôi khi chỉ là phù hợp hay không. Một dev tài năng có thể phát huy được hết hay không khi được thả vào môi trường nặng tính cấp bậc và “kéo bè kéo phái” (vd: công ty gia đình, công ty nhà nước)? Tốt hơn là anh ta nên ứng tuyển vào các công ty coi trọng sự sáng tạo và minh bạch trong quản lí. Hoặc một công ty startup dù đầy tính sáng tạo, lương rất khá nhưng đòi hỏi áp lực cao, sẽ rất phù hợp với một người thích thử thách và cầu tiến, nhưng việc có thể “sập” bất cứ lúc nào cũng khiến nhiều dev chùn bước, biết đâu họ cũng còn phải lo cho gia đình!
Thứ ba – khuyến khích nhân viên phát triển bản thân
Công ty khuyến khích nhân viên học hỏi những điều mới, và cụ thể hóa sự khuyến khích này bằng các chính sách hỗ trợ cụ thể, ví dụ như: hỗ trợ chi phí học các chứng chỉ DevOps trên nền cloud computing, hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, …
Việc hỗ trợ này xét về mặt lâu dài là một thứ đầu tư có lợi cho cả đôi bên: nhân viên được phát triển kĩ năng, thỏa mãn niềm đam mê học hỏi, ngược lại thì công ty cũng sẽ có được những người nhân viên tài năng có thể sẽ đóng góp được nhiều cho họ.
Công ty, về mặt lí thuyết mà nói, phải đối mặt với một giả định: những người trẻ, sau khi được hỗ trợ việc học hỏi, sẽ có khả năng rời bỏ công ty lúc đã đủ lông đủ cánh. Nhưng mình nhớ có một câu nói rất hay mà mình từng đọc được từ một chia sẻ của một người quản lí nọ:
“Không đào tạo có giúp việc giữ họ (những dev tài năng) dễ dàng hơn không? Hay chuyện sẽ còn tệ hơn cho chúng ta và khách hàng nếu dev của chúng ta không đủ giỏi”
Một trường hợp thực tế
Để mình lấy một ví dụ cụ thể luôn cho nó thực tế. Hiện tại, mình đang đảm trách vai trò lập trình viên phần mềm, chuyên phát triển ứng dụng hỗ trợ teamwork trên nền web tại Cybozu Vietnam. Mình sẽ thử đánh giá nơi làm việc với những tiêu chí ở trên:
1. Trả lương tương xứng
So với mặt bằng chung hiện tại của thị trường, mình được trả lương không quá cao nhưng phù hợp với công việc, và mình hài lòng về điều đó. Không quá dư giả nhưng đủ để trang trải cuộc sống, mua được thứ mình cần, và giúp mình theo đuổi những đam mê cá nhân.
Còn nhớ công ty cũ, thậm chí họ còn không cho mình deal lương lúc bàn về hợp đồng, và mình đã nghỉ chỉ sau một thời gian rất ngắn sau đó. Mình tin rằng rất nhiều người khác cũng sẽ làm như vậy nếu gặp tình huống tương tự.
2. Có văn hóa tốt
Một các chủ quan mà nói, ở môi trường hiện tại:
- Các đồng nghiệp làm việc chung đa phần đều tài năng, theo cách riêng của họ. Mọi người cũng rất thân thiện và sẵn lòng giúp đỡ nhau.
- Cấp quản lí khá minh bạch về thông tin, chịu lắng nghe (có đáp ứng được hay không thì chưa nói, nhưng ít nhất cũng tạo cơ hội để nhân viên được nói)
- Được tự do trao đổi và nói lên ý kiến của mình.
- Có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng để theo đuổi mục tiêu
Tất nhiên cũng có vài điểm không ưng ý lắm, nhưng nào có điều gì mà toàn vẹn, học cách chấp nhận cũng là một kĩ năng.

3. Khuyến khích học hỏi
- Công ty sẵn sàng hỗ trợ các khóa học nâng cao kĩ năng (không hề ràng buộc về thời gian phải làm việc ngược lại cho công ty)
- Hỗ trợ tham gia các hội thảo công nghệ, trong nước có, quốc tế có. Vừa rồi có mấy nhóm được tham dự hội nghị ở Hà Nội, Singapore, Nhật, …
- Bạn được trích 10% số giờ làm để học thứ gì mới, cũng khá cool
Có phải bạn đang nghĩ rằng mình quảng cáo cho công ty? Không hề. Đơn giản là mình chỉ muốn đưa ra một nhận xét mang tính cá nhân, nhưng có thật trong thực tế, để mọi người dễ hình dung mà thôi.
Tóm lại
Khái niệm tốt hay tệ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau và còn tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người. Đối với mình, một cách khái quát, công ty được gọi là tốt cần phải thỏa mãn được ít nhất là những tiêu chí sau đây:
- Trả lương tương xứng với năng lực và cống hiến
- Có văn hóa tốt và tạo điều kiện cho nhân viên thể hiện và đóng góp tài năng
- Khuyến khích nhân viên phát triển bản thân
- …
Trong thực tế, mọi chuyện có thể sẽ phức tạp hơn, số lượng nơi làm việc không đáp ứng được yêu cầu không phải nhỏ, nhưng cũng không thiếu những nơi làm việc “tốt”. Vấn đề là bạn hãy tự đưa ra thứ tự ưu tiên và điểm số cho từng tiêu chí, rồi tự rút ra kết luận cho chính mình.
Cảm ơn anh, bài viết đã cung cấp rất nhiều thông tin đáng tham khảo ^^~
Em đặc biệt thích thú với câu trích dẫn anh lấy từ “Lão Hạc” ra để diễn tả ý nghĩ của anh. Chỉ có một chỗ nhầm nho nhỏ đó là câu ấy của Ông giáo nhận xét về người vợ của mình. Thực sự thì cái liên tưởng này của anh rất là thú vị, hy vọng những bài viết sau của anh sẽ hấp dẫn hơn nữa, về cả nội dung lẫn hình thức 😘
LikeLike
Hì, cảm ơn bạn đã góp ý 😁
LikeLiked by 1 person
Pingback: Chia sẻ chủ đề “Hành Trang Nghề Nghiệp” với sinh viên KHTN – Những dòng code vui